Diễn đàn Mùa Xuân về phát triển Sâm Lai Châu

Chiều 28/2, UBND tỉnh Lai Châu  tổ chức “Diễn đàn Mùa Xuân về phát triển Sâm Lai Châu”. Các đồng chí: Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Dương Đình Đức – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Tiến Sĩ Phan Văn Thắng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam); Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp

Dự Diễn đàn còn có các đồng chí: Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Thanh Sơn – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến – Phó Trưởng bộ môn lâm học và tài nguyên rừng, Viện nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn; một số Ban HĐND tỉnh; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp Hội Sâm Lai Châu, Hiệp hội Du lịch Lai Châu, Hội Nông sản Lai Châu; các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trồng Sâm tiêu biểu trên địa bàn tỉnh và một số doanh nghiệp, hợp tác xã lâm nghiệp…

Phát biểu Khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải nhấn mạnh: Với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển Sâm Lai Châu thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển Sâm Lai Châu giai đoạn 2022 – 2030 và định hướng đến năm 2045, theo đó mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Lai Châu sẽ tập trung phát triển vùng trồng Sâm khoảng 3.000 ha gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ Sâm Lai Châu.

Tại Diễn đàn các đại biểu đã được nghe báo cáo thực trạng và định hướng phát triển cây Sâm trên địa bàn tỉnh: Sâm Lai Châu – loài cây đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và Thế giới, là loài đặc hữu của tỉnh Lai Châu, có giá trị lớn về dược liệu và kinh tế. Trải qua nhiều năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh và các nhà khoa học, đến nay tỉnh Lai Châu đã bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng như:

Đã bảo tồn được 03 vườn cây mẹ ngoài tự nhiên và gây trồng trên 21.000 cây mô hình; cây Sâm Lai Châu đã được Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng; xây dựng và ban hành Hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, bảo quản Sâm Lai Châu; có 1 cơ sở được cấp mã số cơ sở nuôi trồng loài cây Sâm Lai Châu và 2 cơ sở hiện đang trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp mã số theo quy định; xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu” cho sản phẩm Sâm Lai Châu củ tươi được trồng tại tỉnh và đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định để cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu”; ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu” để thống nhất quản lý, sử dụng nhãn hiệu; thành lập Hiệp hội Sâm Lai Châu; tổ chức thành công Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 tạo được sức lan tỏa, để lại những dấu ấn quan trọng, góp phần giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá Sâm Lai Châu đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh…

Đến nay, đã có nhiều Doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư, liên kết thực hiện nhân giống, bảo tồn, phát triển Sâm Lai Châu tại các vùng có phân bố tự nhiên của cây Sâm Lai Châu. Ngoài ra, nhiều Doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng đang rất quan tâm đầu tư phát triển cây Sâm Lai Châu.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045, trong đó có cây Sâm Lai Châu. Diện tích có, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để gây trồng Sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh lớn; hiện tại, tỉnh đã triển khai rà soát, đánh giá và xác định được trên 30.000 ha có điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển Sâm Lai Châu, trong đó có 17.000 ha rất thích hợp để phát triển.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, cần sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; sự giúp đỡ tâm huyết của các nhà khoa học và quyết tâm của người dân, Hợp tác xã và Doanh nghiệp để phát triển và hình thành chuỗi liên kết sản xuất; tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ về giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm Sâm; thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến gắn với bao tiêu sản phẩm, đặc biệt là chế biến sâu các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe từ cây Sâm Lai Châu, nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước; xây dựng được hệ thống chỉ dẫn; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu đến người tiêu dùng có đủ thông tin về sản phẩm Sâm, tạo lợi thế cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu. Đồng thời tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá thực hiện như thủ tục đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi trồng, thủ tục quyết định đầu tư dự án, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, hỗ trợ tích tụ đất đai, liên kết trồng Sâm Lai Châu dưới tán rừng…

Tại Diễn đàn đã có 7 tham luận và nhiều ý kiến tham gia thảo luận, trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp bảo tồn, phát triển Sâm Lai Châu, định hướng chế biến các sản phẩm Sâm Lai Châu… Trong đó đáng chú ý là các tham luận về kinh nghiệm trồng cây Sâm Lai Châu; bảo tồn và phát triển giống Sâm Lai Châu của chính các hộ trồng Sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh. Qua các phát biểu tham luận đã cung cấp những thông tin quan trọng về kinh nghiệm trồng, phát triển cây Sâm, các mô hình phát triển Sâm, các giải pháp quản lý, bảo tồn nguồn giống Sâm tự nhiên, định hướng phát triển vùng trồng, định hướng công nghệ chế biến, các vấn đề pháp lý về cây Sâm, đồng thời thảo luận tìm kiếm các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc của các tổ chức, cá nhân trồng, phát triển Sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh.

Dự và Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc tổ chức Diễn đàn, đồng thời khẳng định Lai Châu rất nhiều lợi thế như: Lai Châu có rất nhiều loại dược liệu quý, khoảng 870 loài, trong đó Sâm Lai Châu là cây đặc hữu, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, có diện tích trồng, có giá trị kinh tế cao, dễ vận chuyển so với địa hình vùng cao có độ dốc lớn, địa hình phức tạp; gần như không có sự cạnh tranh; Sâm Lai Châu đã được định danh thuộc nhóm II A trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (Phụ lục CITES) theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045, trong đó có cây Sâm Lai Châu… Tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và dành nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trồng Sâm. Cùng với đó, việc phát triển Sâm Lai Châu có sự đồng hành của Nhà nước, nhà Khoa học…Với rất nhiều các lợi thế kể trên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn các hộ gia đình và doanh nghiệp trồng Sâm Lai Châu cần đồng lòng thể hiện niềm tin, khát vọng góp phần thay đổi cuộc sống, xoá đói giảm nghèo, xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển. “Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người thân, anh em, bạn bè cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong trồng và phát triển cây Sâm Lai Châu, lan toả vùng trồng. Hiệp hội và các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với người dân; trao đổi thường xuyên, chia sẻ cách làm. Các doanh nghiệp sớm chế biến sản phẩm, chế biến sâu, tiến tới mục tiêu ngành công nghiệp Sâm Lai Châu; hướng tới sản xuất các sản phẩm cao Sâm, nước Sâm, các sản phẩm làm đẹp từ Sâm…”

Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Phải sớm xây dựng và thí điểm ứng dụng công nghệ cao trong trồng Sâm, trồng trong nhà màng, nhà lưới; phải tạo ra được một thị trường giống cũng như thị trường Sâm, xây dựng được thương hiệu. Về mã vùng trồng cần cấp nhiều mã số vùng trồng, mỗi vùng có ít nhất 5 – 7 mã vùng trồng. Đồng thời quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; ban hành sớm kê khai giá; xây dựng các quy trình tiến tới xuất khẩu; tổ chức Lễ hội Sâm Lai Châu gắn với bản sắc văn hoá của đồng bào, gắn với “sự tích” vốn có về Sâm Lai Châu, xây dựng ngày tổ về trồng Sâm; phát triển Sâm gắn với du lịch. Các huyện, xã thể hiện quyết tâm bằng việc ban hành nghị quyết riêng, kế hoạch hàng năm có các chỉ tiêu liên quan đến Sâm; tổ chức học hỏi kinh nghiệm các nơi làm tốt, các cá nhân điển hình tiên tiến; các huyện vào cuộc quyết liệt trong đảm bảo an ninh trật tự. Các cơ quan truyền thông tuyên truyền mạnh về lan toả vùng trồng, thương hiệu Sâm Lai Châu…

Nhân dịp này, 8 tập thể, 18 cá nhân có thành tích tiêu biểu, điển hình trong việc bảo tồn, phát triển cây Sâm Lai Châu được Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen.

Bài viết mới nhất

  • Diễn đàn Mùa Xuân về phát triển Sâm Lai Châu

    03/03/2023 2:49:50 CH
  • Ngày 01/4/2021, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện phát triển công nghệ và Giáo dục tổ chức Hội nghị khoa học và công nghệ thuộc đề tài cấp tỉnh “ Xây dựng mô hình quản lý, truy xuất

    08/04/2021 9:43:14 SA
  • Hội nghị khoa học và công nghệ thuộc đề tài cấp tỉnh “ Xây dựng mô hình quản lý, truy xuất, giám sát nông sản minh bạch và kết nối thị trường một số nông sản theo hướng thông minh tại Lai Châu”

    08/04/2021 9:37:26 SA
  • Tổng kết mô hình xây dựng quản lý, truy xuất, giám sát nông sản minh bạch

    02/04/2021 6:28:28 CH
  • Cam xóa đói giảm nghèo ế ngay tại vùng nguyên liệu

    12/11/2020 3:57:52 CH
  • Dưa hấu phủ nilon 'bén rễ' ở bản vùng cao Lai Châu

    12/11/2020 3:53:38 CH