Tổng kết mô hình xây dựng quản lý, truy xuất, giám sát nông sản minh bạch

(BLC) - Hôm nay (1/4), Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh phối hợp với Viện Phát triển công nghệ và giáo dục (Hà Nội) tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình thuộc Dự án “Xây dựng mô hình quản lý, truy xuất, giám sát nông sản minh bạch và kết nối thị trường một số nông sản theo hướng thông minh tại Lai Châu” (gọi tắt là Dự án).

Đây là Hội nghị KH&CN thuộc đề tài cấp tỉnh; Chủ nhiệm dự án là Thạc sỹ Nguyễn Văn Tuân - Phó Viện trưởng Viện Phát triển công nghệ và giáo dục cùng các cộng sự.

Chủ trì Hội nghị có Tiến sỹ Dương Đình Đức - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh; Phó Giáo sư, Tiến sỹ (PGS.TS) Dương Tiến Sỹ - Viện trưởng Viện Phát triển công nghệ và giáo dục. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, UBND các huyện: Tam Đường, Sìn Hồ; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Kinh tế một số huyện, thành phố và doanh nghiệp thụ hưởng Dự án…

Truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm của một doanh nghiệp bất kỳ qua từng công đoạn sản xuất, chế biến, phân phối. Khi được truy xuất nguồn gốc và được mã hóa thông tin sẽ rất tiện lợi cho người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng có thể biết được các thông tin như: tên thực phẩm, giá cả, tên doanh nghiệp sản xuất hay nguồn gốc nguyên liệu tạo ra thực phẩm....

Nhằm giới thiệu mô hình quản lý, truy xuất, giám sát nông sản minh bạch và kết nối thị trường một số nông sản theo hướng thông minh, lợi ích của việc áp dụng mô hình tại Lai Châu, cuối năm 2019, Sở KH&CN tỉnh phối hợp với Viện Phát triển công nghệ và giáo dục triển khai thực hiện mô hình.

Theo đó, đã tiến hành đánh giá thực trạng quản lý, truy xuất, giám sát, minh bạch và kết nối thị trường theo hướng thông minh một số sản phẩm nông sản. Trong đó có chè (Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường); rau (rau thủy canh thuộc Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Thương mại Hà Sơn, bản Cắng Đắng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu); miến dong (Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư, huyện Tam Đường).

Đồng thời, khảo sát và lắp đặt hoàn thành hệ thống thiết bị cho 3 đơn vị phối hợp thực hiện và đưa vào vận hành sử dụng. Bao gồm: camera giám sát, đầu ghi hình; ổ cứng; bộ nguồn; bộ phát Wifi; hệ thống điện năng lượng mặt trời; máy in tem nhiệt chất lượng cao. Xây dựng thành công hệ thống 12 phần mềm trong bộ giải pháp của mô hình. Số hóa dữ liệu cho 3 đơn vị. Đã phát hành tem truy xuất nguồn gốc, khởi động Cổng thông tin http://laichau.smartGAP.vn; khởi động hoạt động của 3 mô hình.

Ngoài ra, tổ chức tập huấn, đào tạo và cấp chứng chỉ cho 6 kỹ thuật viên của 3 đơn vị về sử dụng, khai thác phần mềm nhật ký điện tử và 2 quản trị viên của Sở KH&CN tỉnh về quản trị Cổng thông tin http://laichau.smartgap.vn. Mở 2 lớp tập huấn quy trình áp dụng smartGAP cho hơn 50 lượt hộ nông dân sản xuất chè, miến dong và rau… Tổng kinh phí triển khai và thực hiện mô hình 3.988.000.000 đồng.

 

 

Quang cảnh Hội nghị.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, qua đánh giá sơ bộ, các thiết bị đều được chứng nhận tiết kiệm năng lượng (điện, nước) và nhân lực trong quá trình sản xuất. Sản phẩm sau khi được sản xuất được cơ quan nhà nước giám sát từ đầu, người tiêu dùng có thể vừa truy xuất đồng thời vừa thực hiện chức năng kiểm tra, các khách hành tiềm năng hoàn toàn có thể xem trước quy trình sản xuất sản phẩm tại thời gian thực và thời gian lưu trữ lên đến 30 ngày. Không phát sinh thêm chi phí; việc xả thải ra môi trường được khống chế ở mức thấp nhất. Mô hình tổng hợp ứng dụng và kết nối đồng bộ các giải pháp cụ thể và kết nối thị trường cho nông sản tỉnh Lai Châu có triển vọng tốt, góp phần thúc đẩy chương trình an toàn thực phẩm phát triển.

Phát biểu thảo luận, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã thụ hưởng, các đơn vị, địa phương mong muốn Ban chủ nhiệm Dự án tiếp tục hướng dẫn theo hình thức “cầm tay chỉ việc” đảm bảo đơn vị thụ hưởng nắm vững quy trình kỹ thuật, công nghệ triển khai thực hiện ở các khâu; dự trù kinh phí thực hiện việc truy xuất khi triển khai nhân rộng cho mỗi mô hình; hỗ trợ các địa phương tổ chức tập huấn…

Thạc sỹ Nguyễn Văn Tuân – Phó viện trưởng Viện Phát triển công nghệ và giáo dục, Chủ nhiệm Dự án trả lời, làm rõ những ý kiến của các đại biểu. Đồng thời đề xuất: Để mô hình tiếp tục triển khai mở rộng và thu được hiệu quả thực tế, các đơn vị tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc. Trang bị thêm cụm thiết bị thông minh bao gồm trạm thời tiết thông minh và trạm bẫy côn trùng để cung cấp những thông tin cảnh báo sớm về thời tiết, khí hậu tiểu vùng theo thời gian thực. Đồng thời, cảnh báo sớm sâu, bệnh hại vật nuôi, cây trồng nhằm phục vụ tốt cho quá trình truy xuất theo các hệ thống tiêu chuẩn GAP trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS.TS Dương Tiến Sỹ - Viện trưởng Viện Phát triển công nghệ và giáo dục; Tiến sỹ Dương Đình Đức – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh đánh giá cao công tác phối hợp triển khai thực hiện Dự án của các đơn vị liên quan cùng doanh nghiệp, hợp tác xã thụ hưởng. Đồng thời yêu cầu Ban chủ nhiệm Dự án tiếp tục hoàn thiện, hỗ trợ các đơn vị thụ hưởng nắm bắt kiến thức, quy trình cũng như thành thạo trong thực hành. Thông tin 2 chiều, hỗ trợ các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh có nhu cầu triển khai nhân rộng để thời gian tới, các mặt hàng nông sản của Lai Châu ngày càng vươn xa và khẳng định thương hiệu tại thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trước khi vào Hội nghị, các đại biểu tham quan thực tế mô hình tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Thương mại Hà Sơn tại bản Cắng Đắng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu.

 

Thắm - Duy

Bài viết mới nhất

  • Diễn đàn Mùa Xuân về phát triển Sâm Lai Châu

    03/03/2023 2:49:50 CH
  • Ngày 01/4/2021, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện phát triển công nghệ và Giáo dục tổ chức Hội nghị khoa học và công nghệ thuộc đề tài cấp tỉnh “ Xây dựng mô hình quản lý, truy xuất

    08/04/2021 9:43:14 SA
  • Hội nghị khoa học và công nghệ thuộc đề tài cấp tỉnh “ Xây dựng mô hình quản lý, truy xuất, giám sát nông sản minh bạch và kết nối thị trường một số nông sản theo hướng thông minh tại Lai Châu”

    08/04/2021 9:37:26 SA
  • Tổng kết mô hình xây dựng quản lý, truy xuất, giám sát nông sản minh bạch

    02/04/2021 6:28:28 CH
  • Cam xóa đói giảm nghèo ế ngay tại vùng nguyên liệu

    12/11/2020 3:57:52 CH
  • Dưa hấu phủ nilon 'bén rễ' ở bản vùng cao Lai Châu

    12/11/2020 3:53:38 CH